Chọn chồng.

Publié le par Bui hoang Yen

 

    Chọn chồng.

Bùi Hoàng Yến

 

 A gửi quý vị lá thư viết theo tâm sự mấy cô bạn trẻ sinh trưởng tại Pháp để tự đặt lại câu hỏi về vấn đề này.

 

Chị ơi !

Mẹ em mới vừa tổ chức giới thiệu em làm quen với một người bạn trai Việt Nam nữa. Không biết đàn ông Việt Nam phần lớn có như thế không chứ mấy ông "giới thiệu" này sao mà lù rù quá. Đến nhà ngưới ta cứ ngồi một đống không mở miệng nói câu nào. Chắc mấy ông ấy sợ "xuất khẩu thần khí tán" (mở miệng mất sinh khí)? Hay là mấy ông ấy vì quá lù rù nên mới phải nhờ mẹ đi tìm vợ hộ ? Mẹ em than em khó tính, làm mai bao nhiêu đám cũng không chịu. Nhiều lúc, em cũng lung lay, không biết mình có khó tính như mẹ em than thật không?

Em tự nghĩ, người phụ nữ nào không mong gặp người bạn đời oai phong như tài tử xi- nê Brad Pitt hay thủ môn bóng đá đội Việt Nam Bùi Tiến Dũng

Đường đường một đấng anh hào

Vai năm thước rộng, thân mười thước cao

( Từ Hải trong truyện Kiều)

 

Mấy ông ấy thì chắc mẹ các ông úm ở nhà nhiều, nên toàn mình hạc sương mai, lung lay cuốn theo chiều gió.

Mấy ông Việt Nam bên này nghe nói đã bảnh trai, mấy ông nuôi ở Việt Nam còn kém hơn. Mấy bạn ngoại quốc của em cứ thắc mắc tại sao về Việt Nam, các cô Việt Nam trung bình rất đẹp nhưng đàn ông rất ít người điển trai. Mấy ông Việt Nam răng mã tấu khập khiểng khiếp lắm. Các ông lại ru rú ở nhà trốn nắng nên thiếu vi-ta-min D, bởi vậy họ xanh xao nhỏ bé, chân cong hở chị? Nghe nói họ hay ngồi cà phê, nghe nhạc rên rỉ và than thân trách phận thay vì đi làm việc để cải tiến đời sống.

Mọi người bảo em nhỏ bé, cần gì chồng cao lớn, khoẻ mạnh? Nếu mình đã nhỏ bé, chồng càng cần cao lớn để bảo vệ mình. Con cái hưởng gien tốt, may sao ngày sau cao lớn, dễ thở không khí trong lành trên cao chứ? Phần nữa, nếu em to cao khỏe mạnh, em lấy các ông nhỏ bé về để bảo vệ họ hay sao?

 

Các cụ cứ bảo: " Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Chọn chồng cần người tử tế, đạo đức hơn là diện mạo. Tuy nhiên, cha mẹ có cho em đến ở chung với người ta để xem xét tận tường chất gỗ đâu? Đứng xa mười thước, biết được nước sơn, tướng mạo tốt xấu cũng đã khó lắm hở chị? Gặp nhau ở nhà, các cụ ngồi nhìn chằm chặp, đèn đuốc tù mù, dễ lập lờ nhìn nhầm lắm. Có ông hôm sau gặp lại, em mới giật mình thấy ông ấy rỗ nhiều và sẹo to như các hố bom Mỹ ở Irak.

Chọn mặt đã khó, chọn tính nết càng khó.

Tục ngữ có câu

Dò sông dò biển dễ dò

Có ai lấy thước mà đo lòng người

 

Em thấy mẹ em và mấy bà bạn lấy chồng lâu năm cứ nói " Tui hồi xưa trẻ dại, không biết gì chứ phải đỡ ngu như bây giờ không bao giờ tôi lấy chồng " ( nhất là không lấy ông chồng hiện tại? ). Nào bà than : « Hồi xưa ổng hứa không để cha mẹ ổng làm phiền tui. Bây giờ ông bà cụ đòi về ở chung, lại đòi mỗi tuần phải nai lưng làm cơm cho cả nhà chồng tụ họp ở nhà mình. Ông chồng tôi thấy vậy còn bảo ở chung như vậy đâu có phiền gì em đâu? » Ông khác thì than : « Bà nhà tui ngày xưa gạt tui. Bà mẹ vợ cứ mời cơm, khoe con gái làm bánh này bánh nọ. Lấy vợ về đến nay hơn mười năm, bà vợ học mãi mà nấu nồi cơm ... điện cũng không xong ». Nghe các ông, các bà lớn tuổi nói chuyện, chắc phải bị gạt mới dám tưởng bở mà làm đám cưới hở chị ? Nếu ở chung trước như Âu Mỹ, biềt nhiều quá chắc chỉ dám ở vậy chờ... chán thì thôi.

 

Em nghe nói, ở Việt Nam, phụ nữ lấy chồng phải về nhà chồng làm dâu phụng sự nhà chồng như người ở không công.

Nếu đúng vậy, hèn chi ông nào cũng thèm lấy vợ Việt Nam. Có nô lệ ở nhà làm hết cả việc nhà, đi chợ, nấu ăn, giặt ủi. Mướn được ô sin ở trong nhà, tận tụy như vậy chắc cũng tốn hai ba lần lương tối thiểu. Đã vậy, các bà ngày nay còn phải đi làm để phụ góp tiền nhà, tiền chợ, tiền cơm cho chồng nữa. Ngày xưa, lương ông chồng làm đủ nuôi cả vợ con, cha mẹ. Ngày nay, nhiều ông đi làm nuôi chính bản thân họ cũng không xong. Đàn bà không phụ vào thì đời sống chật vật lắm.

 

Các bà cứ hay kể chuyện mẹ chồng Việt Nam hay ghen tị vớicon dâu. Các cụ hay kiếm chuyện, hành hạ bắt các bà ấy phải phục dịch nhà chồng và các anh chị em chồng. Nghe sao mà nhỏ nhen. Lúc nào cũng giả dối vì cứ nói đến tình gia đình để hành hạ người ta làm mọi không công cho gia đình mình. Đến nay cũng vậy, gặp con dâu hiền bắt nạt được chẳng tội gì không lợi dụng.

 

Nếu thật thế, em sợ lấy chồng Việt Nam quá! Chồng Âu Mỹ, gia đình người ta ít lắm chuyện xen vào gia đạo con cái. Mấy bà bạn Pháp lớn tuổi em quen chỉ mong con dâu lo cho cháu họ tử tế (cơm có đồ đông lạnh hâm lại, chén chồng rưả). Vài tuần để con trai họ dẫn cháu về thăm ông bà là họ đã mừng.

 

Tuy nhiên nếu lấy ngoại quốc, em sợ phải xa cách gia đình. Ba em nằng nặc bảo em lấy Tây, phong tục, tập quán khác nhau khó hợp. Tuy ở nhà Việt Nam nhưng em học trường Pháp, đầy bạn Pháp từ nhỏ, tại sao không hợp? Bỏ chỗ phải làm dâu, làm nô lệ không công thành người tự do; được tôn trọng, khó là khó thế nào hở chị ? Tại sao tự do ăn bánh mì tươi với thịt nguội cũng không bằng ăn cơm hẩm và bị đày đoạ làm đủ việc?

 

Ba em nhất định bảo

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.

 

Lúc về Việt Nam, em thấy các ông Việt Kiều và các ông Việt Nam trưởng giả nào cũng vào hotel và các nhà kiểu Âu mỹ tắm nước máy. Mấy cái ao ở nhà quê chỉ có trâu và những người cùng khốn không làm sao khác được mới tắm đỡ. Ai cũng ham và tìm đủ mọi cách lấy người nước ngoài để xuất cảnh. Thế mà ba em xui em bỏ tắm nước máy Pháp về tắm nước ao Việt Nam đục lờ, chị nghĩ có kỳ lạ không?

 

Ba em nói thế nhưng khi em đem bạn Việt Nam sanh ở ngoại quốc về giới thiệu, ba em chê. Nhiều bạn Việt sanh trưởng ở Pháp cũng văn minh lắm. Họ cao ráo vì không thiếu ăn, học thức cao, mặc đồ mốt, nhảy đầm giỏi lại biết ga lăng nữa. Ba em chê họ giống như trái chuối, ngoài vàng, trong trắng. Họ chỉ còn cái vỏ Á Đông da vàng mũi tẹt nhưng mất gốc, tiếng Việt không rành, biết ít về văn hoá và cung cách xử xự của Việt Nam. 

 

Em cũng có lúc nghĩ đến lấy một ông Việt Nam thuần tuý cho vui lòng cha mẹ. Và ngườiViệt Nam nào thuần tuý bằng mấy ông sinh trưởng ởViệt Nam, chị nhỉ?

 

Em nghe người ta đồn, các cô Việt Nam thèm đi ngoại quốc. Các ông bên này ế vợ, cỡ sứt mẻ, què cụt thế nào về Việt Nam cũng lấy được " hoa hậu " cả. Nay em về Việt Nam hỏi cưới một ông hoa hậu đem sang đây, chắc em cũng có nhiều nơi để lưạ chọn như vậy? Em đi làm lương trung bình bên này, tiện tặn chắc cũng nuôi được chồng và cả gia đình chồng. Nhiều ông Việt Nam bên này lương kém cỏi mà cũng về giúp đỡ đồng bào, lấy một cô Việt Nam như vậy. Gia đình các cô nghe nói người nào cũng mừng lắm vì các cô sẽ là gà đẻ trứng vàng, tha hồ về sau giúp đỡ cho gia đình và cha mẹ.

Em lấy một ông Việt Nam thuần tuý làm chồng, vừa giúp một người ra khỏi nước lập nghiệp, vừa giúp cả nhà họ sống. Thế là tình nghiã vẹn toàn. Vừa có phước kiếm chồng Việt Nam thuần tuý cho mình, vừa vui lòng cha mẹ, vưà làm phước nuôi cả nhà bên ấy.

.

Thế nhưng lúc em trình bày ý kiến đó, cha mẹ em nhất định bảo em điên.

Lấy chồng cho đáng tấm chồng

Bỏ công trang điểm má hồng răng đen.

 

Ba em bảo, bà làm thơ Bà huyện Thanh Quan giỏi giang thâm thuý cũng thà lấy lẽ ông quan huyện Thanh Quan chứ không thèm làm vợ lớn; vợ duy nhất một anh thường dân. Em dang ở nơi nhà cao cửa rộng; vói tay lấy hoa ở cửa sổ không chịu. Tại sao lại cúi mình lấy hoa hèn,cỏ dại rồi về nuôi cả cha mẹ chồng, anh chị em nhà chồng, chú bác nhà chồng, cháu chắt nhà chồng. Đã thế, người ta chẳng biết công cho, lại bảo là bổn phận đàn bà Việt Nam phải thế! Cụ còn hỏi em đã quen cô Việt Nam nào ở Âu Mỹ về xứ lấy chồng không? Và em có nghĩ vì sao không ?

Ừ nhỉ, tại sao em chưa thấy bà nào ở Âu Mỹ về Việt Nam lấy chồng cả?

Ca dao Việt Nam đầy dẫy mấy câu tả người phụ nữ Việt Nam đảm đang làm việc, gầy dựng cho chồng

"Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non "

hay là

"Canh một dọn cửa dọn nhà

Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm

Canh tư bước sang canh năm

Gọi anh dậy học chớ nằm làm chi "

 

Các bà lại rộng lượng sẵn sàng chấp nhận đủ chuyện, cả đến lấy vợ bé cho chồng

"Miệng cười ỏn ẻn rằng anh giận gì

Anh ơi anh giận em chi

Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho"

 

Thế ra mấy bà được ca tụng trong văn thơ, ca dao ấy toàn bị xui dại vì dốt ( phụ nữ ngày xưa nghe nói đều bị cấm đi học để ngu đần dễ dạy). Hoặc vì hoàn cảnh không nghề nghiệp, không sống cách nào khác được như các bà ở Afghanistan nên phải chịu như vậy. Mấy bà Á rập nghe nói cũng cùng hoàn cảnh, bị nhốt khuê phòng như phụ nữ Việt Nam ngày xưa, bị cấm đi học, chỉ biết nấu ăn, dọn dẹp không công trong nhà và phải chịu để chồng lấy bốn vợ theo Hồi giáo. 

 

Các đấng sinh thành của em mâu thuẫn quá! Các cụ giới thiệu, em chê, các cụ bảo khó tính. Mẹ em bảo : « Lấy ai thì cũng vậy, cũng là đàn ông ». Thế mà em chọn, các cụ chê. Em chọn chồng Tây, các cụ chê Tây, sợ lừa lấy ngựa, chỉ đẻ được con la xong tuyệt giống. Việt Nam ở ngoại quốc, các cụ chê chuối, ngoài vàng nhưng trong trắng nhưTây Mỹ, chả biết gì về đạo đức gia đình Việt Nam. Em đòi lấy chồng ở Việt Nam, các cụ lại dẫy nẩy bảo là khó hợp vì các ông ấy còn theo xưa quá, sợ lại chồng chuá vợ tôi, bắt em phải phục dịch nhà chồng vất vả. Các cụ cũng sợ Việt Nam thuần tuý lấy chồng rồi chỉ được biết nhà chồng thôi, không đuợc gần gũi, giúp đỡ gia đình mình nữa.

 

Mẹ em cứ đòi em để hai cụ chọn chồng hộ. Mẹ bảo em, « Áo mặc sao qua khỏi đầu ». Ngày xưa các cụ lấy nhau có lựa chọn gì đâu mà cũng sống với nhau đến trăm tuổi. Em thấy nhiều cặp sống với nhau, cãi nhau cả trăm năm phát khiếp! Em cũng muốn nhắm mắt đưa chân cho cha mẹ em chọn hộ, nhưng em sợ :

 

Mẹ tôi tham thúng xôi rền,

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng

Em đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào

Bây giờ chồng thấp, vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho vừa?

 

Cha mẹ em cứ đòi toàn quyền chọn chồng cho em. Cứ như là các cụ chuyên nghề gỡ rối tơ lòng, tiến sĩ chuyên khoa về đôi lứa. Vậy chứ mấy ông bà bạn lớn tuổi goá chồng hay ly dị của cha mẹ em, đâu có ai dám nghe lời các cụ xúi đâu ? Các ông bà ấy cũng đã lớn tuổi như cha mẹ mình, đầu cũng đã hai màu tóc ( nếu không nhuộm ) nên cũng khôn ngoan chứ. Nếu họ không nghe, chỉ cười xoà, đánh trống lảng mỗi lần cha mẹ em cho ý kiến chắc chắn phải có lý do chính đáng ?

 

Kiếm được người tâm đầu, ý hợp thật khó. En nhìn quanh, em thấy mấy ông, mấy bà cứ mê tiền, mê bóng sắc rồi gạt nhau để lấy nhau. Vài năm sau sự thật lộ ra, họ rủa xả nhau. Con cái ở giữa nghe cha mẹ xâu xé, chửi bới, nói xấu nhau, thật ngán ngẩm.

Bà cung nữ trong "Cung oán ngâm khúc" của ông Nguyễn gia Thiều nói rất chí lý

 

Phải duyên hương lửa cùng nhau

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào

 

Nếu có duyên kiếp hay nợ đời tự nhiên sẽ đến với nhau.

Còn ý kiến chị về vấn đề này thế nào?

 

 

Bùi Hoàng Yến 3/2006 sửa 10/2018

Publié dans Văn báo

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article
N
<br /> Bài viết của bạn rất thực tế, và là một thực tế phụ nữ VN ngày nay ai cũng hiểu nhưng chẳng mấy ai dám nói ra. Mình ước mong bài viết này được đăng rộng rãi khắp nơi,<br /> nhưng hệ thống này khó mà chấp nhận những bài như vậy. Cảm ơn bạn!<br /> <br /> <br />
Répondre
D
<br /> Coucou, canh bon canh nam nam ko ngu duoc lang thang luot net roi vao bai viet cua ban - vua doc vua ko nhin duoc cuoi:-) Loi le di dom, chuyen ke phong phu! Hon nua nhung gi duoc viet ra la rat<br /> thuc, phan anh dung tam ly hien gio cua cac ban tre lon len o Tay va Ta va cac ban phu huynh cua ho!<br /> <br /> <br />
Répondre
B
<br /> <br /> Ca'm on nhân xe't ba.n<br /> <br /> <br /> <br />